Shopping Cart

Thành Tiền 0đ
Tổng Tiền 0đ

Lốp xe nhập khẩu từ Việt Nam có thể bị đưa vào diện theo dõi?

12/07/2023
Tin tức

Xu hướng tăng của nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn chung có thể khiến lốp xe nhập khẩu từ Việt Nam bị đưa vào diện theo dõi bởi các Hiệp hội ngành hàng sản xuất nội địa tại EU.

Cục Phòng vệ Thương mại (PVTM), Bộ Công thương vừa có báo tình hình xuất nhập khẩu lốp xe của Việt Nam tại thị trường EU và những khuyến nghị.

Mặt hàng lốp xe xuất khẩu nhiều nhất

Lốp xe là mặt hàng được Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất đến nay với kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt hơn 2,2 tỉ USD, tăng 22,7% so với năm 2021, chiếm 52,5% tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm cao su, chủ yếu lốp ô tô con và lốp xe tải.

Năm 2023 được dự báo nhiều khó khăn hơn nhưng số liệu thống kê của cơ quan hải quan Việt Nam xuất khẩu lốp xe từ Việt Nam sang EU quý I đạt 43,5 triệu USD, tăng 22% so cùng kỳ năm 2022.

Đồng thời, có sự biến động khá mạnh giữa các tháng năm 2022, 2023 khi tháng 3-2023 đạt 17,56 triệu USD, tăng gấp đôi so với tháng 3-2022.

Theo Cục PVTM, xu hướng tăng nhập khẩu trong bối cảnh thị trường khó khăn chung, có thể khiến hàng từ Việt Nam bị đưa vào diện quan tâm, theo dõi bởi các Hiệp hội ngành hàng sản xuất nội địa tại EU.

Bên cạnh chỉ tiêu về giá và chi phí sản xuất, hai chỉ tiêu thống kê quan trọng khác thường được làm cơ sở cho việc theo dõi, đưa vào diện điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ, tự vệ thương mại là tốc độ tăng trưởng của nhập khẩu và thị phần.

Tuy nhiên, việc rà soát các nguồn số liệu trị giá xuất khẩu lốp xe cao su theo thống kê của Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC) cho thấy luôn cao hơn thống kê của Việt Nam.

Điều này gây bất lợi cho hàng từ Việt Nam khi các số liệu này được sử dụng để đánh giá xu hướng tăng nhập khẩu từ Việt Nam vào EU cũng như tính toán thị phần. Ví dụ, nếu theo thống kê của ITC vào tháng 1-2023 với trị giá 22,4 triệu USD, thị phần hàng nhập khẩu từ Việt Nam chiếm 0,87% tổng trị giá nhập khẩu lốp cao su vào EU. Trong khi đó, nếu theo số liệu thống kê hải quan Việt Nam cùng thời điểm trên chỉ đạt 11,2 triệu USD, chiếm thị phần 0,44%.



Doanh nghiệp không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ

Do đó, Cục PVTM có những khuyến nghị: Trước tiên có thể thấy trị giá xuất khẩu lốp cao su từ Việt Nam sang EU giai đoạn 2021-2022 đều trong xu hướng tăng, quý I-2023 cũng tăng so với quý I-2022.

Nếu mức tăng năm 2022 so với năm 2021 được lý giải nhờ sự phục hồi của thị trường ô tô sau dịch bệnh COVID-19. Mức tăng quý I-2023 trong bối cảnh thị trường thế giới khó khăn chung là vấn đề đáng lưu ý đối với ngành sản xuất nội địa của EU.

Do đó, DN cần theo dõi sát sao diễn biến thị trường, các cảnh báo của Bộ Công thương để nắm bắt tình hình, điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Đồng thời, sàng lọc đối tác cung ứng, đối tác hợp tác sản xuất kinh doanh phù hợp, hạn chế nguy cơ bị đưa vào diện điều tra và áp thuế.

Hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để phục vụ công tác điều tra PVTM (khi xảy ra) và phục vụ lưu trữ chứng từ để hưởng cơ chế tự xác nhận không bị áp thuế chống lẩn tránh. Tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp.

Thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp DN sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan.

Nếu phát hiện các dấu hiệu vi phạm, DN cần chủ động phối hợp với cơ quan chức năng để điều tra, ngăn chặn.


Nguồn: plo.vn

ĐÁNH GIÁ SẢN PHẨM

  • Lọc theo:
  • Tất cả
  • 1
  • 2
  • 3
  • 4
  • 5
Chia sẻ

Bài viết liên quan